Mẹ có lối sống lành mạnh “ít có khả năng” sinh con béo phì
Đó là kết luận của các nhà khoa học sau khi tiến hành một nghiên cứu dày công trong thời gian dài. Cha mẹ cùng tìm hiểu vấn đề này ngay nhé.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Trường đại học Y tế Công cộng Boston, Đại học Guelph (Canada) và một số tổ chức khoa học khác của Hoa Kỳ. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ là đơn vị tài trợ cho nghiên cứu này.
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của hơn 24.000 trẻ em trong độ tuổi từ 9 đến 14. Nội dung của nghiên cứu này nhằm xem xét mối liên hệ giữa lối sống của mẹ và nguy cơ béo phì ở trẻ.
Béo phì ở người trưởng thành có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe lâu dài như bệnh tim mạch, tiểu đường và một số bệnh ung thư. Trẻ béo phì có nhiều khả năng trở thành người lớn béo phì. Vì vậy, có nhiều nghiên cứu về các phương pháp có thể ngăn ngừa béo phì ở trẻ em.
Lối sống của mẹ có ảnh hưởng tới trẻ
Một nghiên cứu đoàn hệ như thế này rất hữu ích để xem xét liệu thói quen của mẹ trước và sau khi sinh có liên quan đến nguy cơ béo phì ở trẻ em hay không. Quá trình tiến hành nghiên cứu này diễn ra nhiều năm với sự bắt đầu từ 1989.
Các mẹ tham gia nghiên cứu sẽ hoàn thành các câu hỏi chi tiết về lối sống và sức khỏe theo định kỳ 2 năm một lần. Ngoài ra, các mẹ cũng sẽ trả lời bảng câu hỏi thực phẩm cứ sau 4 năm một lần.
Các câu hỏi về chế độ ăn uống bao gồm mức độ thường xuyên mẹ sử dụng các loại thực phẩm cụ thể như rau, trái cây, các loại hạt và ngũ cốc với các câu trả lời từ không bao giờ đến ít nhất 6 lần một ngày. Thêm vào đó là các câu hỏi về việc hút thuốc và ước tính lượng rượu trung bình mẹ dùng trong năm qua.
Trẻ có khả năng bị béo phì nếu mẹ không có lối sống lành mạnh
Hoạt động thể chất tương tự được đánh giá bằng bảng câu hỏi và phụ nữ tự báo cáo cân nặng và chiều cao của mình sau mỗi 2 năm. Các nhà nghiên cứu đặt ra 5 yếu tố lành mạnh để cho điểm bao gồm:
- Điểm ăn kiêng nằm trong top 40%, theo Chỉ số Ăn uống Lành mạnh Thay thế 2010 (đây là hệ thống tính điểm hợp lệ để đánh giá chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn uống của một người)
- Chỉ số BMI khỏe mạnh (18,5 đến 24,9)
- Không hút thuốc
- Uống rượu ở mức độ nhẹ đến trung bình (1,0 đến 14,9g/ ngày – hoặc không quá 2 đơn vị mỗi ngày)
- Hoạt động thể chất ít nhất 150 phút với cường độ trung bình đến mạnh mẽ mỗi tuần
Ngoài ra, nghiên cứu này cũng có sự tham gia của 27.800 trẻ em trong độ tuổi từ 9 đến 14 tuổi với các dạng câu hỏi tương tự như trên. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa thói quen lối sống lành mạnh ở bà mẹ và trẻ béo phì.
Béo phì ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ khi trưởng thành
Trong số 27.800 trẻ được nghiên cứu, có 5% (1.282) bị béo phì. Nguy cơ béo phì ở trẻ em thấp hơn đối với những bà mẹ tuân theo 4 trong số 5 yếu tố lối sống lành mạnh được đề cập ở trên. Cụ thể:
- Các bà mẹ có BMI khỏe mạnh, trẻ giảm 56% rủi ro mắc béo phì
- Các bà mẹ tập thể dục, trẻ giảm 21% rủi ro
- Các bà mẹ không hút thuốc, trẻ giảm 31% rủi ro
- Các bà mẹ uống rượu nhẹ đến trung bình, trẻ giảm 12% rủi ro
Và cao hơn nữa, trẻ em có mẹ tuân thủ cả 5 thói quen lành mạnh đã giảm 75% nguy cơ béo phì. Vì vậy, các chuyên gia khuyên mẹ hãy duy trì một lối sống khoa học hợp lý ngay từ thời điểm chuẩn bị mang thai, trong thai kỳ và khi chăm sóc con nhỏ.