Cảnh báo: Đồ chơi cũ có thể gây ra mối đe dọa độc hại cho trẻ em
Đó là kết luận của các nhà khoa học Anh sau khi tiến hành một nghiên cứu xác định mức độ ảnh hưởng của những món đồ chơi cũ tới sức khỏe của trẻ nhỏ. Cha mẹ cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này.
Từ thực trạng tới nghiên cứu
Đồ chơi cho trẻ có rất nhiều loại và thường chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn vì trẻ luôn thích những món đồ chơi mới với màu sắc bắt mắt hơn, trải nghiệm thú vị hơn.
Nhiều cha mẹ cảm thấy tiếc khi những món đồ chơi vẫn sử dụng được lại bị vứt xó và để không. Chính vì vậy, thói quen cho đi những món đồ trẻ không sử dụng nữa cũng dần hình thành từ thực tế này.
Trẻ nhỏ luôn có nhiều đồ chơi mà nhiều khi không sử dụng hết
Một nhà khoa học người Anh thuộc Đại học Plymouth (Anh Quốc) đã phân tích 197 đồ chơi cũ được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau và đưa chúng vào các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để xem liệu chúng có hoặc không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn hiện hành của EU hay không.
Ông đã sử dụng phương pháp quang phổ huỳnh quang tia X (XRF) để xác định sự hiện diện của 9 yếu tố nguy hiểm tiềm tàng với sức khỏe của trẻ. Máy quang phổ là một dụng cụ có thể xác định cả lượng và loại hóa chất trong một vật hoặc mẫu cụ thể.
Cùng với việc kiểm tra xem đồ chơi có chứa hóa chất hay không, chuyên gia đã kiểm tra 26 đồ chơi để xem liệu hóa chất sản xuất đồ chơi đó có bị rò rỉ khi tiếp xúc với axit hay không. Mức độ hóa chất trong đồ chơi được ước tính bằng cách đo độ dày của nhựa và so sánh với kết quả XRF.
Đồ chơi cũ không đảm bảo tiêu chí an toàn cho trẻ
Nhà nghiên cứu đã thực hiện 285 phân tích XRF trên 197 đồ chơi (một số phép đo khác nhau được tiến hành trên các bộ phận khác nhau của đồ chơi, chẳng hạn như bánh xe và thân xe).
Nhà khoa học đã sử dụng các mảnh vụn hoặc các mảnh nhựa nhỏ cho thí nghiệm. Kết quả được so sánh với các hướng dẫn hiện hành của EU về giới hạn an toàn đối với hóa chất trong đồ chơi cho trẻ nhỏ.
Kết quả thí nghiệm
Các nhà nghiên cứu tìm thấy:
31 món đồ chơi có nồng độ ít nhất một hóa chất khi được kiểm tra bởi XRF ở mức độ đủ cao để cảnh giác.
Một số đồ chơi có chứa hóa chất như Brom, Cadmium, Chì và Antimon. Trong khi đó, một số khác chứa Selen hoặc Crom.
Trong số 26 món đồ chơi được thử nghiệm, có 4 kết quả vi phạm các giới hạn của EU trong thử nghiệm an toàn bao gồm các loại đồ chơi như mô hình lắp ráp, mô hình động vật…
Cha mẹ nên sắm đồ chơi mới cho trẻ chơi
Kết quả nghiên cứu này được so sánh với quy định an toàn đồ chơi EU 88/3781/EEC dành cho các đồ dùng cũ hiện vẫn đang được áp dụng. Từ những kết quả trên có thể thấy, nhựa được sử dụng trong một số đồ chơi cũ có thể gây rủi ro cho sức khỏe của trẻ vì chúng không đáp ứng các hướng dẫn an toàn cập nhật nhất.
Hãy thận trọng và tốt nhất không nên sử dụng những món đồ chơi cũ này cho bé nhà mình bởi các yếu tố nguy hiểm tiềm tàng với sức khỏe nhất là khi trẻ nhỏ thường có thói quen cho đồ dùng vào miệng.
Theo NHS